Chuyến tham quan khoa học của Đoàn Campuchia tại Việt Nam về ứng dụng công nghệ hạt nhân trong lĩnh vực khảo cổ (chương trình hợp tác với IAEA)

Từ ngày 10 đến 21 tháng 3 năm 2025, Trung tâm Hạt nhân Thành phố Hồ Chí Minh (TTHN) đã đón tiếp các nhà khoa học Campuchia trong khuôn khổ chuyến tham quan khoa học trong chương trình hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Chuyến tham quan nhằm tăng cường hợp tác và trao đổi kiến thức trong ứng dụng công nghệ hạt nhân vào lĩnh vực khảo cổ học, bảo tồn di sản và các lĩnh vực liên quan khác. Chương trình không chỉ thắt chặt quan hệ khoa học giữa hai quốc gia mà còn mở đường cho những nghiên cứu hợp tác trong tương lai.

Trong khuôn khổ chương trình, đoàn Campuchia gồm các ông Chhay Visoth, Tin Tina, Leng Vitou (Bộ Văn hóa và Nghệ thuật Campuchia) và ông Eng Chandoeun (Viện Công nghệ Campuchia) đã có chuyến công tác kéo dài hai tuần tại Việt Nam. Về phía Việt Nam, PGS.TS. Hồ Mạnh Dũng, nghiên cứu viên cao cấp tại TTHN, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN), đã được IAEA đề xuất làm người hướng dẫn. Chuyến thăm này tạo cơ hội cho đoàn tìm hiểu sâu về công nghệ hạt nhân qua việc tham quan các viện nghiên cứu hàng đầu ở TP.HCM, Đà Lạt và Hà Nội, tham gia các bài giảng chuyên môn, trao đổi kiến thức và khám phá các di tích lịch sử, văn hóa.

Những hoạt động chính của đoàn: Ngày 10 tháng 3, tại TP.HCM, đoàn bắt đầu chuyến tham quan khoa học tại TTHN, nơi đoàn được ban lãnh đạo Trung tâm tiếp đón trọng thể. Đoàn đã tham quan nhiều phòng thí nghiệm quan trọng tại Trung tâm, bao gồm: An toàn bức xạ & môi trường; Thủy văn đồng vị; Vật lý & phân tích hạt nhân; Ứng dụng & triển khai công nghệ; và Phòng thí nghiệm chuẩn liều thứ cấp (SSDL).

Ban lãnh đạo TTHN tiếp đón đoàn Campuchia tại TP. Hồ Chí Minh

Buổi chiều cùng ngày, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Duy Phó Giám đốc Trung tâm đã dẫn đoàn xuống tham quan Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai Công nghệ Bức xạ (Vinagamma). Tại đây, đoàn đã được ThS. Phan Phước Thắng Phó Giám đốc Trung tâm đón tiếp và giới thiệu về các hướng ứng dụng của công nghệ bức xạ trong nông nghiệp, công nghiệp, y tế và khảo cổ cũng như tham quan hai thiết bị chiếu xạ chính của Trung tâm là nguồn gamma Co-60 và máy gia tốc chùm tia điện tử.

Đoàn Campuchia tham quan và làm việc tại Vinagamma

Ngày 11 và 12 tháng 3 đoàn được nghe các báo cáo khoa học từ các chuyên gia Việt Nam với nhiều bài giảng chuyên sâu về ứng dụng công nghệ hạt nhân. Các chủ đề được trình bày bao gồm: Tổng quan về các kỹ thuật hạt nhân: nghiên cứu và ứng dụng (PGS.TS. Hồ Mạnh Dũng); Phương pháp định tuổi C-14 (KS. Nguyễn Kiên Chính); Phân tích huỳnh quang tia X – XRFA (ThS. Thái Mỹ Phê); Ứng dụng nhiệt phát quang – TL trong khảo cổ học (TS. Lưu Anh Tuyên); và Thiết lập hệ thống thí nghiệm StemRad (TS. Đỗ Duy Khiêm).

Chuyên gia Việt Nam trình bày các bài giảng.

Từ ngày 13 đến 15 tháng 3, tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân, đoàn được giới thiệu về Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và phân tích kích hoạt neutron (NAA). Thực tế, đoàn đã được làm quen với kỹ thuật NAA, phân tích tỉ số đồng vị bền, trao đổi tiềm năng của các kỹ thuật này trong nghiên cứu khảo cổ, môi trường và các lĩnh vực khác.

Đoàn Campuchia tham quan và làm việc tại Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt.

Tại Hà Nội, từ ngày 17 đến 18 tháng 3, Đoàn đã tham quan và làm việc tại: Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội: Giới thiệu về phân tích phát xạ tia X cảm ứng hạt (PIXE) với máy gia tốc NEC 5SDH-2 Tandem Pelletron để nghiên cứu hiện vật khảo cổ. Tại Viện Khảo cổ học Việt Nam: Tìm hiểu về ứng dụng của phân tích XRFA và định tuổi bằng C-14 trong nghiên cứu khảo cổ và bảo tồn di sản.

Đoàn Campuchia tham quan và làm việc tại Trường ĐH KHTN, ĐHQG Hà Nội.

Sáng ngày 18/3/2025, tại trụ sở Viện, TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN), đã tiếp Đoàn và trao đổi về hợp tác trong tương lai giữa Viện với các tổ chức khoa học và nghệ thuật Campuchia.

Viện trưởng Viện NLNTVN, TS. Trần Chí Thành tiếp Đoàn Campuchia.

Nhân dịp chuyến tham quan khoa học tại Việt Nam, đoàn đại biểu Campuchia đã đến thủ đô Hà Nội và vinh dự được viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đoàn đại biểu Campuchia đã đến viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ ngày 20-21 tháng 3, đoàn trở lại TTHN tại TP.HCM để trao đổi, thảo luận những kiến thức thu nhận được, xác định các dự án hợp tác tiềm năng trong tương lai và tổng kết chương trình. Kết quả, chuyến tham quan khoa học đạt được nhiều thành tựu quan trọng:

Chuyến thăm đã góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu của các thành viên Campuchia, củng cố hợp tác khoa học Việt Nam-Campuchia và đề xuất các dự án nghiên cứu chung, bao gồm ứng dụng phương pháp định tuổi C-14 và TL, nghiên cứu môi trường cổ đại bằng IRMS, đào tạo và trao đổi sinh viên, đồng hướng dẫn nghiên cứu sinh, đồng xuất bản và tổ chức hội thảo khoa học, v.v..

Chuyến tham quan khoa học của đoàn Campuchia, do IAEA tài trợ, tại Việt Nam đã thúc đẩy hợp tác ứng dụng công nghệ hạt nhân trong khảo cổ học và các lĩnh vực khác. Trung tâm Hạt nhân TP.HCM với vai trò là đơn vị chủ trì đón tiếp và tổ chức các hoạt động trao đổi khoa học, cùng các đối tác cam kết tăng cường hợp tác, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ hạt nhân để bảo tồn di sản văn hóa một cách hiệu quả.

Chuyến công tác này thể hiện tinh thần hợp tác và học hỏi lẫn nhau giữa các nhà khoa học Campuchia và Việt Nam, PGS.TS. Hồ Mạnh Dũng chia sẻ: “Chúng ta sử dụng công nghệ hạt nhân để khám phá lịch sử, bảo tồn di sản và cùng nhau phát triển.”

Trung tâm Hạt nhân TP. Hồ Chí Minh