Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, mảnh đất thiêng!
Thiêng vì nơi đây có dấu chân những con người đã trở thành huyền thoại. Họ cũng chính là những bà đỡ cho lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm Viện Nghiên cứu hạt nhân
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến đây nhiều lần.
Lần đầu, khi nơi này còn là công trường xây dựng lò phản ứng, bốn bề ngổn ngang. Thời ấy đời sống khó khăn lắm. Đại tướng muốn đi xem chỗ ăn ở của cán bộ. Chiều rất muộn, các “lò sĩ” đã ăn xong, mỗi người một ngả. Trong ánh sáng lờ mờ dưới tầng hầm Giáo Hoàng học viện chỉ còn lại cô P., chuyên viên Ban Quản lý công trình, uể oải trước phần cơm nhà bếp cuối cùng. Đi thẳng đến bàn ăn, Đại tướng lắc đầu: “ăn thế này thì xây lò làm sao?” Chính phủ đã chấp thuận một số chế độ “đặc biệt” giúp cải thiện phần nào đời sống cán bộ của Viện hạt nhân.
Viện sĩ G. N, Flerov đến đây từ năm 1976, khi lò phản ứng TRIGA Mark II còn do quân đội (Đoàn A1) quản lý.
Flerov Georgy Nikolaevich (1913-1990) (Nguồn: Internet)
Nhà hạt nhân lừng danh thế giới Flerov đã khám phá ra hiện tượng urani phân hạch tự phát năm 1940, khi mà Niels Bohr, cha đẻ học thuyết lượng tử, luôn quả quyết là không thể. Hóa ra phân hạch tự phát chính là dạng phân rả phóng xạ phổ biến nhất của những hạt nhân nặng hơn urani. Lịch sử còn ghi tên ông bởi bức thư viên trung úy Flerov gửi cho Stalin lưu ý những động thái chứng tỏ Mỹ đang làm bom nguyên tử, thúc giục Liên Xô không nên chậm trễ. Sau chiến tranh, Flerov về Dubna xây dựng máy gia tốc ion nặng để tổng hợp các nguyên tố siêu nặng, Z > 100, phần lớn chỉ sống dưới vài giây. Nhóm Dubna được quyền đặt tên cho ba nguyên tố. Hai năm sau khi ông qua đời (2010), nguyên tố thứ 114 đã được chính thức công nhận, mang tên ông, Flerovium.
Chúng tôi (cùng anh Nguyễn Mộng Sinh) tháp tùng viện sĩ Flerov từ Hà Nội vào Đà Lạt. Thời gian này quốc lộ 20 từ Dầu giây lên Đà Lạt còn chưa “an toàn”. Sau khi xem xét lò TRIGA Mark II đã bị rút hết nhiên liệu, ông nhận định lò mới sắp được cải tạo sẽ không thể đưa công suất lên 1000 kW, như chúng tôi mong muốn. Ông khuyên “vấn đề của các anh giờ đây là nhanh chóng khôi phục lò và tập hợp đội ngũ khoa học để khai thác nó, chứ không phải là một lò mới hoàn toàn với công suất lớn”. Quả vậy, lò mới được thiết kế với cấu trúc lai ghép, giữ nguyên cơ sở hạ tầng lò TRIGA Mark II; toàn bộ vùng hoạt mới được thả từ trên xuống cho lọt vào vành phản xạ graphite của lò cũ, mà vẫn nâng công suất lên gấp đôi.
Tiến sĩ Hans Blix, Tổng Giám Đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế IAEA
Tiến sĩ Hans Blix, Tổng Giám Đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế IAEA đã lặn lội đường xa đến Đà Lạt năm 1990. Không phải để thị sát, hay thanh sát, như trước đó khi ông đến Chernobyl hay lò OSIraq ở Iraq. Có lẽ ông đến bởi một trong những câu hỏi: tại sao một lò phản ứng có công suất vào loại thấp nhất lại hoạt động có hiệu quả ở một nước rất nghèo trong điều kiện bị cấm vận ngặt nghèo nhất. Trên đường về Vienna qua Hà Nội, ông đã đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đánh giá cao hiệu quả lò phản ứng Đà Lạt.
Từ 2000 đến 2003 Hans Blix làm Trưởng đoàn thanh sát LHQ về vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Iraq. Đoàn đã tiến hành 700 cuộc thanh sát, không tìm ra dấu vết nào, nhưng buộc phải dừng lại trước khi Mỹ – Anh đưa liên quân đánh phủ đầu Saddam Hussein. Ông đã phê phán gay gắt hành động này xem như một cuộc “săn lùng phù thủy” do “thiếu tư duy phản biện”. Cuộc chiến sa lầy và khốc liệt hơn hai thập kỷ sau đó đã chứng tỏ chân lý thuộc về ông.
KTS Ngô Viết Thụ (1926- 2000) (Nguồn: Internet)
KTS tài ba Ngô Việt Thụ đã thiết kế khuôn viên lò phản ứng Đà Lạt thành các vòng đồng tâm theo mô hình nguyên tử. Nhưng ý tưởng sâu xa của ông hình như lấy cảm hứng từ bánh xe Pháp Luân, tiến lên không ngừng từ vô minh đến Giác Ngộ, theo giáo lý của Đức Phật. Bao quanh các vòng đồng tâm là một vườn cây luôn bốn mùa hoa nở. Nơi đây nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam đã tự tay trồng những cây thông khi đến thăm lò phản ứng. Những ngọn thông giờ đây đã cao vút.
Tác giả bài viết: GS. Phạm Duy Hiển
Nguồn tin: https://vinatom.gov.vn