Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam
Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam
Ngày 30/12/2021, tại Trung tâm Đào tạo hạt nhân, Hà Nội, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.
Toàn cảnh Hội nghị
Tham dự Hội nghị, ngoài đại diện cán bộ công chức, viên chức của Viện NLNTVN, các chuyên gia ngành năng lượng nguyên tử…, còn có các khách mời: ông Lê Huỳnh Quốc, Phó Cục trưởng Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an), ông Nguyễn Tiến Tài, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế – kỹ thuật, ông Nguyễn Tuấn Khải, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân; bà Trần Bích Ngọc, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Năng lượng nguyên tử.
Đoàn Chủ tịch chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 của Viện NLNTVN
Những kết quả nổi bật
Trong năm 2021, dù bị đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng hơn năm 2020 nhưng đội ngũ cán bộ Viện NLNTVN đã linh hoạt thích ứng với tình hình mới, từng bước giải quyết khó khăn. Các đơn vị trực thuộc Viện tại Tp Hồ Chí Minh và Đà Nẵng (Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ, Trung tâm Hạt nhân) đã thực hiện phương án “vừa cách ly, vừa sản xuất tại chỗ” nhằm đảm bảo thực hiện việc cung cấp dịch vụ chiếu xạ và công việc hậu cần theo quy định “ba tại chỗ”, an toàn trong tình hình mới theo chỉ đạo của chính quyền địa phương. Vì vậy, các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ đều được thực hiện theo mục tiêu đề ra: Phát triển Khoa học và công nghệ hạt nhân gắn với thực tiễn, ứng dụng, chú trọng đến chất lượng các sản phẩm khoa học và phát triển công nghệ.
Với mục tiêu nâng cao năng lực khoa học và công nghệ (KH&CN) hạt nhân quốc gia, tiếp cận các hướng nghiên cứu tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực ứng dụng năng lượng nguyên tử, hỗ trợ triển khai Dự án Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân (CNST), thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các ngành kinh tế – kỹ thuật. Các đơn vị trực thuộc Viện NLNTVN đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng, triển khai vào sản xuất và đạt được số kết quả nổi bật như sau:
– Hoàn thành Hồ sơ yêu cầu cho nhiệm vụ Lập báo cáo nghiên cứu khả thi và Hồ sơ phê duyệt địa điểm của Dự án xây dựng Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân và trao cho đối tác Nga trong chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tháng 29/11-3/12/2021;
– Nghiên cứu thành công và đưa kênh ngang số 1 của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt vào sử dụng phục vụ nghiên cứu vật lý hạt nhân, đo tán xạ nơtron và đào tạo;
– Mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 trong và ngoài nước làm ảnh hưởng đến các hợp tác khoa học quốc tế, các nhóm thực nghiệm trong nước gần như không thể đi thu gom mẫu hiện trường cũng như không thể tham gia các thí nghiệm ở nước ngoài, song tập thể cán bộ nghiên cứu của Viện NLNTVN vẫn nỗ lực, cố gắng tiến hành các nghiên cứu khoa học chất lượng cao trong tình hình cực kỳ khó khăn và có 68 công trình công bố quốc tế (trong đó 62 bài đăng trên tạp chí quốc tế ISI) và 02 bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích;
– Vận hành 4400 giờ an toàn và hiệu quả lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, điều chế 1.002 Ci đồng vị phóng xạ các loại và 2114 lọ kit đánh dấu, cung cấp cho các bệnh viện trong nước với tần suất 1 tuần một lần nhằm đồng hành, chia sẻ với những khó khăn của đất nước nói chung và những bệnh nhân nói riêng (tần suất cao sẽ làm số giờ vận hành lò tăng lên mặc dù sản phẩm dược chất cung cấp giảm do ít cơ sở y tế hoạt động trong mùa dịch, nhưng Viện xác định đây vừa là một nhiệm vụ khoa học vừa là một nhiệm vụ phục vụ xã hội). Xuất khẩu 7,4 Ci dược chất phóng xạ sang Campuchia;
– Thiết kế chế tạo thành công rô-bốt FMI khảo sát ngập lụt chân đế giàn khoan bằng phương pháp gamma truyền qua mà kỹ thuật này từ trước đến nay Việt Nam chưa làm được, phải thuê chuyên gia nước ngoài;
– Nghiên cứu thiết kế và chế tạo thành công hệ thiết bị quan trắc tự động hiện trường hai đồng vị phóng xạ 134Cs và 137Cs trong môi trường nước biển, hiệu suất hấp thụ chọn lọc cao (đạt 99,9%), giới hạn phát hiện 4,4 Bq/m3, đảm bảo hoạt động được trong điều kiện khắc nghiệt của biển;
– Ứng dụng thành công phần mềm FLEXPART trong nghiên cứu tính toán mô phỏng phát tán chất phóng xạ trong môi trường không khí khi có sự cố giả định từ một cơ sở hạt nhân;
– Tổ chức thành công Hội nghị Khoa học và công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 14 (VINANST-14) với hơn 40 tổ chức trong và ngoài nước và khoảng 300 đại biểu tham gia trực tuyến và trực tiếp là các cán bộ nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng năng lượng nguyên tử thuộc các tổ chức khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, các cán bộ quản lý thuộc các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan trong cả nước, nghiên cứu sinh và sinh viên các trường đại học. Hội nghị đã chọn được 181 báo cáo, trong đó có 111 báo cáo được trình bày (Oral presentation) tại các Tiểu ban chuyên môn và 70 báo cáo dán bảng (Posters);
– Được Bộ Y tế cấp chứng nhận cơ sở sản xuất dược chất phóng xạ đạt tiêu chuẩn GMP trên lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và máy gia tốc KOTRON-13 của Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội. Nghiên cứu thiết kế và chế tạo thành công hệ thiết bị cùng phần mềm điều khiển bộ chia liều dược chất trên máy gia tốc KOTRON-13;
– Tổng kết 10 năm triển khai xây dựng Mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia. Sau 10 năm triển khai, mặc dù chưa đạt được quy mô như quy hoạch, nhưng bước đầu đã hình thành được mạng lưới quan trắc với trung tâm điều hành tại Hà Nội (đặt tại Viện KH&KTHN) và các trạm vùng tại miền Bắc và miền Trung, khu vực Tây Nguyên và miền Nam và một số trạm địa phương;
– Hỗ trợ Ban Chủ nhiệm Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia KC.05/16-20 tổ chức thành công tổng kết 5 năm triển khai thực hiện với vai trò Viện là cơ quan thường trực của Ban Chủ nhiệm và Viện trưởng Viện NLNTVN là Chủ nhiệm Chương trình;
– Hoạt động triển khai sản xuất các sản phẩm kẽm đạt doanh thu 152 tỷ đồng, vượt 152% kế hoạch đề ra trong năm 2021, vượt gần 139% so với năm 2020.
Tổng hợp công bố quốc tế và bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích trong các năm gần đây
* Ước tính doanh thu tháng 12/2021
Doanh thu sản xuất dịch vụ các năm gần đây
Tổng sản lượng hoạt độ phóng xạ và doanh thu của dược chất được sản xuất từ lò phản ứng Đà Lạt
Kết quả từ các hoạt động triển khai, ứng dụng của các đơn vị trực thuộc Viện cũng đạt kết quả tốt. Viện Công nghệ xạ hiếm: Hoạt động triển khai sản xuất các sản phẩm kẽm đạt doanh thu trên 152 tỷ đồng, vượt 152% kế hoạch đề ra trong năm 2021, vượt gần 139% so với năm 2020. Viện Nghiên cứu hạt nhân có tổng doanh thu tính đến 30/11/2021 là 46,07 tỷ đồng, cả năm ước đạt 50 tỷ đồng (năm 2020 là khoảng 60 tỷ đồng); Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân có tổng doanh thu từ các hoạt động triển khai ứng dụng, dịch vụ kỹ thuật tính đến hết tháng 11 năm 2021 đạt 14,140 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2020 (13,367 tỷ); Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ vẫn cố gắng đạt 55.313 tỷ đồng (năm 2020 là 70,8 tỷ đồng) với dịch vụ chiếu xạ thanh trùng thực phẩm phục vụ xuất khẩu và tiệt trùng dụng cụ y tế; Dịch vụ sản xuất chế phẩm Nano bạc, các chế phẩm chitosan, vải kháng khuẩn, chất siêu hấp thụ nước; Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đạt tổng doanh thu là 12,930 tỷ đồng (năm 2020 là 14,822 tỷ đồng); Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp: doanh thu từ hoạt động triển khai dịch vụ năm 2021 của Trung tâm đạt trên 14 tỷ đồng (tăng trên 60% so với năm 2020).
Về công tác thi đua khen thưởng
Triển khai trong toàn Viện NLNTVN Phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”. Viện trưởng đã khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân có thành tích suất xắc trong nghiên cứu khoa học, thực hiện nhiệm vụ công tác cũng như các nhiệm vụ hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác trong và ngoài nước, đóng góp cho sự phát triển chung của Viện. Cụ thể:
– Tặng thưởng Giấy khen của Viện trưởng NLNTVN cho cá nhân ông Bùi Xuân Quỳnh, Trưởng Văn phòng Đại diện Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại Ấn Độ đã có thành tích nổi bật, đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác và phối hợp thực hiện các thủ tục cần thiết cho công tác vận chuyển nguồn phóng xạ từ Ấn Độ về Việt Nam. Thúc đẩy quan hệ song phương giữa hai nước về hợp tác hòa bình trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Tặng giấy khen của Viện trưởng Viện NLNTVN cho 02 tập thể nổi bật năm 2021 là:
+ Ban Hợp tác quốc tế, do đã nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ hợp tác quốc tế vượt qua đại dịch, đóng góp cho Dự án Trung tâm Nghiên cứu KHCN hạt nhân (CNST).
+ Phòng Hành chính – Kế hoạch, Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ vì đã nỗ lực công tác giúp VINAGAMMA hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19.
Và 02 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong năm 2021 là:
+ TS. Nguyễn Ngọc Anh, cán bộ nghiên cứu thuộc Trung tâm Vật lý và Điện tử hạt nhân, Viện Nghiên cứu hạt nhân, do đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác nghiên cứu khoa học (là tác giả chính và đồng tác giả của 07 công trình khoa học đăng trên tạp chí quốc tế uy tín thuộc danh mục ISI).
+ Ông Ngô Văn Tuyến, cán bộ thuộc Trung tâm công nghệ vật liệu và bức xạ, Viện Công nghệ xạ hiếm, do đã nỗ lực trong việc thúc đẩy ứng dụng vi lượng đất hiếm vào phân bón trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ.
Năm 2021, Viện NLNTVN cũng đã được Bộ Trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Công an tặng bằng khen cho:
– Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện NLNTVN, đồng thời là Chủ nhiệm Chương trình KC.05/16-20, đã có đóng góp tích cực trong công tác tư vấn, phối hợp tổ chức xây dựng và quản lý nhiệm vụ thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020;
– Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an cho Viện NLNTVN và 02 cá nhân đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong xây dựng và bảo vệ An ninh Tổ quốc.
Về phương hướng nhiệm vụ nghiên cứu và định hướng ứng dụng:
– Tiếp tục phát triển các hướng nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng;
– Tiếp tục triển khai các nghiên cứu liên quan đến lò phản ứng nghiên cứu để chuẩn bị nguồn nhân lực cho việc vận hành và khai thác an toàn hiệu quả cho lò phản ứng mới;
– Tiếp tục duy trì và củng cố năng lực nghiên cứu về công nghệ an toàn điện hạt nhân;
– Tăng cường ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, công nghệ bức xạ và đồng vị phóng xạ trong lĩnh vực công nghiệp;
– Đẩy mạnh nghiên cứu phát triển công nghệ xử lý và chế biến quặng phóng xạ và nguyên tố hiếm;
– Tăng cường ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp;
– Nghiên cứu các vấn đề về nước và môi trường.
Về Triển khai thực hiện các dự án đầu tư, hợp tác:
– Thúc đẩy triển khai Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân;
– Tiếp tục hoàn thiện Dự án mạng quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường Quốc gia;
– Thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu của Trung tâm hợp tác IAEA-VINATOM;
– Đầu tư nâng cấp và tăng cường an toàn lò phản ứng nghiên cứu tại Đà Lạt;
– Tiếp tục xây dựng cơ sở tại Đà Nẵng thành cơ sở nghiên cứu ứng dụng bức xạ đạt tầm khu vực và quốc tế.
Cơ hột bứt phá trong năm 2022
Những thành quả về nhiều mặt của năm 2021 đã trở thành cơ sở để Viện NLNTVN hướng đến năm 2022, năm quan trọng để chuẩn bị cho dự án Trung tâm KHCN hạt nhân quốc gia (CNST).
Một trong những vấn đề mấu chốt của Viện trong năm mới là tiếp tục nâng cao hơn nữa năng lực khoa học. Cơ hội để các các bộ của Viện học hỏi là thông qua hợp tác quốc tế. GS. TS. Lê Hồng Khiêm, Đại diện toàn quyền của Chính phủ Việt Nam tại Viện liên hợp hạt nhân Dubna (JINR), Nga đã chia sẻ, Viện NLNTVN cần cử những cán bộ trẻ, triển vọng có đam mê nghiên cứu khoa học sang JINR, một môi trường nghiên cứu đa dạng với nhiều lĩnh vực như vật lý hạt nhân hay hóa phóng xạ, khoa học vật liệu, sinh học, môi trường. Ông cho biết, JINR-Dubna sẽ có thể đầu tư kinh phí, thiết kế lắp đặt một số thiết bị ở Trung tâm CNST để các nhà khoa học của hai nước cũng như quốc tế cùng nhau nghiên cứu và khi đó có thể coi CNST là một chi nhánh, một điểm đại diện của Dubna tại Việt Nam trong tương lai.
Cũng với mong ước khuyến khích các cán bộ trẻ học hỏi, TS. Đặng Đức Nhận, đề cập đến việc xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh trong nhiều lĩnh vực quan trọng, liên quan đến triển khai ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong đời sống như thủy văn đồng vị, nông nghiệp hữu cơ… Tiến sĩ Đặng Đức Nhận cũng nhấn mạnh, để xây dựng đội ngũ lãnh đạo trẻ, đặc biệt là lãnh đạo đứng đầu các nhóm nghiên cứu, các dự án, Viện NLNTVN phải là hậu phương vững chắc tạo điều kiện cho các cán bộ trẻ thì mới hy vọng thay đổi được thế hệ làm lãnh đạo tiềm năng.
Viện trưởng Trần Chí Thành phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2022 của Viện NLNTVN
Trao đổi về nhiệm vụ của Viện NLNTVN trong năm 2022, Viện trưởng Trần Chí Thành cho biết, song song với việc đẩy mạnh thiết kế lò nghiên cứu mới sẽ quyết tâm thực hiện đẩy mạnh nhiệm vụ nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực, cán bộ đầu đàn để triển khai xây dựng và khai thác lò nghiên cứu mới hiệu quả. Viện NLNTVN sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển hướng nghiên cứu ứng dụng, an toàn hạt nhân để phù hợp với tình hình mới. Nhắc về dự án hai nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam tại Ninh Thuận (dừng năm 2016), Viện trưởng Trần Chí Thành đánh giá, điện hạt nhân sẽ có tiềm năng so với các dạng năng lượng tái tạo, điện gió, hay năng lượng mặt trời.
Trong năm 2022, Viện trưởng Viện NLNTVN đã đưa ra chủ đề hoạt động của toàn Viện: “Triển khai Nghiên cứu khả thi (FS) Dự án lò nghiên cứu mới, phát triển nguồn nhân lực và năng lực khoa học các hướng nghiên cứu liên quan” (Implementation of Feasibility Study (FS) of the new research reactor project, development of human resources and scientific capacity for relevant research directions). Dự án Trung tâm CNST là tương lai của ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam trong 50-70 năm tiếp theo, và năm 2022 sẽ là năm đẩy mạnh nhiệm vụ nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực, cán bộ đầu đàn cho triển khai xây dựng và khai thác lò nghiên cứu mới.
Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt (NCHN) nghiên cứu thành công và đưa kênh ngang số 1 của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt vào sử dụng phục vụ nghiên cứu vật lý hạt nhân, đo tán xạ nơtron và đào tạo; Vận hành 4400 giờ an toàn và hiệu quả lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, điều chế 1.002 Ci đồng vị phóng xạ các loại và 2114 lọ kit đánh dấu, cung cấp cho các bệnh viện trong nước với tần suất 1 tuần một lần nhằm đồng hành, chia sẻ với những khó khăn của đất nước nói chung và những bệnh nhân nói riêng; Xuất khẩu 7,4 Ci dược chất phóng xạ sang Campuchia; Chế tạo thành công chế phẩm vi cầu phóng xạ 90Y, điều chế 32P-chromic phosphate, sản xuất đồng vị 99mTc trên máy gia tốc, phương pháp đánh dấu kháng thể đơn dòng bevacizumab.
Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân nghiên cứu thiết kế và chế tạo thành công hệ thiết bị quan trắc tự động hiện trường hai đồng vị phóng xạ 134Cs và 137Cs trong môi trường nước biển, hiệu suất hấp thụ chọn lọc cao (đạt 99,9%), giới hạn phát hiện 4,4 Bq/m3, đảm bảo hoạt động được trong điều kiện khắc nghiệt của biển; Ứng dụng thành công phần mềm FLEXPART trong nghiên cứu tính toán mô phỏng phát tán chất phóng xạ trong môi trường không khí khi có sự cố giả định từ một cơ sở hạt nhân; Xây dựng và phát triển được năng lực nghiên cứu và ứng dụng các phương pháp vật lý, kỹ thuật hạt nhân và kỹ thuật đồng vị ứng dụng trong một số lĩnh vực như đánh giá tài nguyên nước, địa chất thủy văn, công trình thủy lợi, ô nhiễm môi trường, xác thực chất lượng và truy xuất nguồn gốc lương thực, thực phẩm; Triển khai nghiên cứu, thiết kế chế tạo đầu dò neutron vũ trụ bằng tổ hợp đa tinh thể nhấp nháy sử dụng cho việc đo độ ẩm của đất.
Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp đã thiết kế chế tạo thành công rô-bốt FMI khảo sát ngập lụt chân đế giàn khoan bằng phương pháp gamma truyền qua; Trung tâm CANTI tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ về ứng dụng kỹ thuật đồng vị bền Deuterium và Oxy-18 để khảo sát đặc trưng bổ cấp nước ngầm tại một số khu vực của thành phố Long Khánh; Chế tạo thiết bị mẫu mini-SPECT ứng dụng trên mẫu chuột phục vụ nghiên cứu y khoa; nghiên cứu phương pháp và thiết kế chế tạo thiết bị kiểm tra rò rỉ trong giếng khai thác gas-lift bằng kỹ thuật đánh dấu; nghiên cứu các đặc trưng đánh dấu của một số hợp chất Perfluorocarbon (PFC) ứng dụng khảo sát bơm ép khí trong mỏ dầu.
Viện Nghiên cứu hạt nhân và Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội (CXHN) được Bộ Y tế cấp chứng nhận cơ sở sản xuất dược chất phóng xạ đạt tiêu chuẩn GMP trên lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và máy gia tốc KOTRON-13. Nghiên cứu thiết kế và chế tạo thành công hệ thiết bị cùng phần mềm điều khiển bộ chia liều dược chất trên máy gia tốc KOTRON-13.
Trung tâm CXHN nghiên cứu phát triển các dược chất phóng xạ (DCPX) có khả năng ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị; phát triển các kỹ thuật kiểm tra, phân tích, đánh giá chất lượng DCPX và trung hoàn thiện các thủ tục để sớm được sản xuất và cung cấp 18F-FDG cho các bệnh viện.
Trung tâm CXHN ứng dụng công nghệ bức xạ gamma gây đột biến Trichoderma để tạo chế phẩm phân giải nhanh rơm rạ trên đồng ruộng và công nghệ chiếu xạ trong sản xuất maltodextrin kháng tiêu hóa từ tinh bột dùng làm chất xơ thực phẩm bằng 1 nhiệm vụ cấp nhà nước và 4 nhiệm vụ cấp Bộ với các mục tiêu thúc đẩy ứng dụng xử lý chiếu xạ.
Trung tâm Đánh giá không phá hủy nghiên cứu chế tạo thiết bị chiếu xạ gamma dùng nguồn phóng xạ đã qua sử dụng phục vụ nghiên cứu đột biến tạo giống cây trồng trong nông nghiệp; xây dựng hệ thống chất lượng đào tạo kỹ thuật viên NDT phù hợp tiêu chuẩn quốc tế.
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thu Hà
Nguồn tin: https://vinatom.gov.vn/