Chiếu xạ nông sản xuất khẩu: Không chỉ phụ thuộc vào công nghệ

Để có giải pháp tổng thể cho bài toán xuất khẩu các mặt hàng nông sản Việt Nam vào những thị trường lớn và nhiều hàng rào kỹ thuật như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…, không chỉ cần nỗ lực của riêng ngành nông nghiệp mà phải có được sự hợp tác liên ngành, liên bộ, đặc biệt giữa Bộ NN&PTNT – Bộ KH&CN – Bộ Công thương.

Câu hỏi khó của nông dân Sơn La

Chiếu xạ vải tươi xuất khẩu

Diễn ra vào thời điểm các thị trường xuất khẩu nông sản Việt Nam đang dần phục hồi sau những đợt đứt gãy logistics do COVID, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại trực tiếp với nông dân Việt Nam “Tiếp sức, hỗ trợ nông dân phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững” đã quy tụ những trăn trở và mong mỏi của những người làm nông nghiệp. Họ mang đến hội nghị này những khó khăn và vướng mắc mà mình đã gặp phải nhiều năm, những điều dường như nằm ngoài phạm vi tác động của họ. Đó là lý do vì sao ông Trần Như Kiên, một nông dân có trang trại lợn và trồng cây đặc sản ở xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, đã đặt vấn đề với Thủ tướng Phạm Minh Chính: người nông dân Sơn La đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, nhiều diện tích cây ăn quả đã được cấp mã số vùng trồng, đã được xuất khẩu vào nhiều thị trường trên thế giới, trong đó có Trung Quốc.

 

Tuy nhiên, theo góc nhìn của ông, đầu ra cho những nông sản chất lượng ấy đang gặp vướng mắc ở một điểm, đó là trái cây tươi của tỉnh khi xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu chiếu xạ thường phải chuyển vào các tỉnh phía Nam xử lý nên tăng thời gian vận chuyển, dẫn tới việc thương nhân thu gom thường giảm giá mua tại vườn của người dân. Do đó ông bày tỏ nguyện vọng “Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục có các giải pháp gì để hỗ trợ xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc? Đề nghị các bộ, ngành xây dựng các nhà máy chiếu xạ tại các địa phương để hỗ trợ nông dân xuất khẩu”.

Trần Minh Quỳnh giới thiệu về quy trình chiếu xạ sản phẩm ở Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội. Ảnh: Hoàng Nam

Có lẽ, trong số những người quan tâm đến nông nghiệp, hơn ai hết những người làm trong ngành năng lượng nguyên tử cảm nhận được những xúc cảm trái chiều trước câu hỏi của ông Trần Như Kiên. Sau rất nhiều năm kiên trì đưa các kỹ thuật hạt nhân vào ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội, đến nay ngay cả người nông dân ở một tỉnh miền núi như Sơn La cũng biết đến giá trị của công nghệ chiếu xạ – một quá trình chiếu bức xạ ion hóa lên sản phẩm để diệt trừ các mầm bệnh, sinh vật tồn dư, qua đó có thể bảo quản sản phẩm khỏi nguy cơ nhiễm bệnh và ngăn chặn sự lây lan của các loài sinh vật xâm hại. Chỉ khi người nông dân kiểm nghiệm được giá trị đích thực của công nghệ chiếu xạ và thấy được khả năng giải quyết vấn đề sát sườn, họ mới đưa nó vào danh sách cần thiết và không ngần ngại nêu ý kiến của mình.

Đến đây, ắt hẳn không chỉ ông Trần Như Kiên mà rất nhiều người khác cũng tự đặt những câu hỏi tương tự: tại sao nông sản Sơn La hay các địa phương phía Bắc khác muốn xuất sang Mỹ lại phải đưa vào miền Nam chiếu xạ trong khi ở Hà Nội đã có hẳn một trung tâm có chức năng tương tự? Có nên xây dựng nhà máy chiếu xạ tại các địa phương để hỗ trợ nông dân xuất khẩu? Những câu hỏi quanh công nghệ chiếu xạ khiến những người làm trong ngành năng lượng nguyên tử không khỏi cảm thấy ưu tư, cho dù “từ năm 2016, sau khi hoàn thành dự án ‘Nâng cấp cơ sở hạ tầng Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội phục vụ chiếu xạ kiểm dịch quả tươi xuất khẩu’, Trung tâm đã có được hệ thống kho lạnh đầu vào và đầu ra để đảm bảo chất lượng quả tươi trước và sau khi xử lý, và dây chuyền chiếu xạ, hệ thống giá treo được nâng cấp để có thể xử lý trên 200 tấn quả mỗi ngày”, theo TS. Đặng Quang Thiệu, giám đốc Trung tâm.

Là người làm việc ở một cơ sở được thành lập từ năm 1986 có mục tiêu đưa các ứng dụng công nghệ bức xạ, kỹ thuật đồng vị… trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y tế, môi trường và các ngành khác, TS. Đặng Quang Thiệu hiểu rõ những nguyên tắc chiếu xạ cho sản phẩm hàng hóa. Mỗi một loại sản phẩm đều có những phân bố liều lượng chiếu xạ và thời gian chiếu xạ phù hợp. Các mức liều và thời gian này đều phải đáp ứng các hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn hàng hóa, các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật liên quan đến an toàn thực phẩm mà quốc gia nhập khẩu sản phẩm đặt ra. Với ông, xác định các tiêu chuẩn này không khó, nhất là sau khi Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đã được nâng cấp cơ sở vật chất và được Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Úc kiểm định, đánh giá năng lực. Kể từ năm 2016, sản phẩm hoa quả tươi gồm vải, xoài và nhãn do Trung tâm chiếu xạ đã được Úc chấp thuận.

Vậy tại sao được Úc chấp thuận đủ tiêu chuẩn kiểm định mà Trung tâm vẫn chưa thuyết phục được Mỹ? Trước câu hỏi này, TS. Đặng Quang Thiệu cho biết, muốn hoa quả tươi do Trung tâm chiếu xạ vào được thị trường Mỹ, Trung tâm phải được Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) kiểm định và cấp phép, tương tự như việc APHIS đã làm với Công ty Cổ phần Chế biến thủy hải sản Sơn Sơn (TP.HCM) vài năm trước và Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát (Long An) vừa qua. Chi phí mà mỗi công ty Sơn Sơn hay Toàn Phát bỏ ra vào khoảng 340.000 đến 350.000 USD/năm, chủ yếu để mời chuyên gia của APHIS từ Mỹ tới kiểm định cơ sở vật chất, xem xét có đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn như đã nộp hồ sơ đăng ký không. “Thật khó để Trung tâm lo được một khoản kinh phí như vậy bởi về kỹ thuật thì chúng tôi có thể cố gắng còn kinh phí thì không có cơ chế. Hiện tại, chúng tôi chưa dám nghĩ đến chuyện đó”, TS. Đặng Quang Thiệu nói.

Đó là lý do vì sao mà đến giờ, muốn xuất khẩu hoa quả tươi sang Mỹ, nông dân Sơn La vẫn phải đi đường vòng vào TP.HCM mà không thể “ghé” Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội.

Đi tìm lời giải

Câu chuyện của Sơn La hay của các địa phương muốn xuất khẩu mặt hàng hoa trái tươi sang các thị trường lớn hoặc bị mắc kẹt, hoặc phải chấp nhận mất thêm thời gian và tiền bạc để gửi vào TP.HCM chiếu xạ. Đó là vấn đề mà chính phủ giao cho Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN phối hợp tìm cách hóa giải.

Trước thời điểm diễn ra hội nghị ở Sơn La, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đã cùng TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện NLNTVN đã tới Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội thị sát và trao đổi công việc. “Tôi đã báo cáo tình hình với hai Bộ trưởng, trong đó nhấn mạnh đến khả năng của Trung tâm về cơ sở vật chất, các yếu tố kỹ thuật, vốn là những điều chúng tôi có thể chủ động làm được”, TS. Đặng Quang Thiệu cho biết. “Nói thật là từ trước đến nay, Trung tâm luôn muốn chiếu xạ hàng nông sản như hoa quả tươi vì theo yêu cầu chiếu xạ, chỉ cần chiếu một liều đủ để bất dục côn trùng, bất dục trứng của côn trùng bám vào hoa quả tươi. Xét ra, việc chiếu xạ hoa quả tươi thường nhẹ nhàng hơn các mặt hàng khác mà Trung tâm vẫn nhận làm dịch vụ nhưng chỉ có điều là số lượng vẫn còn ít quá so với công suất vài chục tấn một ngày”.

Những thông tin hữu ích mà những người ứng dụng công nghệ ở Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội cung cấp đã gợi mở rất nhiều cho những người làm quản lý. Vì vậy, tại hội nghị ở Sơn La, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã có thể giải thích một cách rành rẽ sự khác biệt chiếu xạ ở hai miền, trong trường hợp chiếu xạ đi Mỹ: “Ở Hà Nội, mỗi lần chiếu xạ, do có quá ít sản phẩm, chỉ một lô xoài đem đi chiếu xạ, nên chi phí khá cao. Chuyển vào miền Nam thì chi phí chiếu xạ sẽ rẻ hơn, bởi trong đó họ có thể chiếu xạ quanh năm khi mùa màng trái cây quanh năm và sản lượng lớn”.

Rõ ràng, vấn đề công nghệ chiếu xạ chỉ là một khâu áp chót trong cả một chuỗi công việc cần thiết để đem lại sản phẩm đảm bảo tiêu chí xuất khẩu, không chỉ chất lượng mà còn số lượng. Bài toán ở đây, do vậy, không chỉ phụ thuộc vào công nghệ mà còn nằm trong tay những người làm nông nghiệp: làm thế nào để có đủ sản lượng hoa trái và có được những mùa vụ đạt các tiêu chuẩn theo yêu cầu của các thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…, tương tự như cách Bắc Giang đã bền bỉ làm trong nhiều năm để đưa quả vải sang Nhật Bản. Tuy vậy việc định danh được một sản phẩm Việt trên những thị trường “khó tính” mới chỉ là bước đầu tiên, quan trọng hơn là có thể xuất khẩu được những chuyến hàng lớn thì những nỗ lực cho mỗi mùa vụ mới có nhiều ý nghĩa. Đó là lý do vì sao Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý “Tôi nói lại lần nữa, nếu chúng ta làm với tinh thần đi buôn chuyến, lâu lâu có một chuyến đi chiếu xạ thì sẽ đội chi phí lên rất cao nên chúng ta cần cân nhắc”.

Do đó, cần phải có một quá trình chuẩn bị tốt của cả chuỗi giá trị nông sản. “Để chi phí chiếu xạ thấp, các tỉnh phía Bắc như Sơn La, Bắc Giang nên xem lại, có kế hoạch để chúng ta có thể chiếu xạ một lần với số lượng lớn, giảm chi phí”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu giải pháp và bổ sung thêm “Chúng tôi sẽ cùng với Bộ KH&CN kiến nghị quy trình với phía đối tác Mỹ để có thể giảm chi phí”. Sau buổi thị sát cơ sở chiếu xạ ở Hà Nội, hai Bộ trưởng đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội và Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) phối hợp và bàn bạc để tìm phương án tối ưu, có thể tiến tới hỗ trợ cho nông sản của Sơn La cũng như các vùng trồng phía Bắc tới thị trường Mỹ. Tuy tất cả cũng mới chỉ bắt đầu và chưa có xác quyết về cơ chế để lo cho việc mời chuyên gia của APHIS tới Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội kiểm định, đánh giá nhưng chí ít, những người làm quản lý ở Bộ NN&PTNT đã hiểu được cái khó của người làm công nghệ và ứng dụng công nghệ.

Như vậy trong bối cảnh đi tìm đầu ra ổn định cho nông sản Việt Nam, công nghệ chiếu xạ chỉ là một phần của câu chuyện, một mắt xích trong cả chuỗi giá trị cần gây dựng. Do đó, để giải đáp thắc mắc mà nông dân Sơn La mới đưa ra trong hội nghị với Thủ tướng, cần sự tham gia của nhiều bộ, ngành, không riêng Bộ KH&CN. Rất may là những chuyển động như thế đã được bắt đầu. Tại diễn đàn Hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản ĐBSCL, diễn ra ở Cần Thơ vào ngày 26/5, ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, cho biết, việc xây dựng một trung tâm chiếu xạ tương tự Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội sẽ là một trong ba giải pháp quan trọng để Cần Thơ đảm trách vai trò trung tâm logistics cho cả vùng đồng bằng châu thổ. Để góp phần giải quyết đầu ra cho hàng hóa của vùng đất nhiều tiềm năng này, không chỉ mặt hàng nông sản truyền thống, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam đã hợp tác với Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam thiết lập dự án trung tâm  chiếu xạ Cần Thơ và dự kiến sẽ khởi công vào tháng 10 tới.

“Công nghệ chiếu xạ như chúng ta vẫn biết là có thể giúp sản phẩm hàng hóa tránh được côn trùng nấm mốc, vi khuẩn mà không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và không để lại bất kỳ một di chứng phóng xạ nào. Ngoài ra, kỹ thuật hạt nhân còn có rất nhiều ứng dụng hữu ích khác, có thể tham gia giải quyết được rất nhiều bài toán của nhiều lĩnh vực ngành nghề như đột biến tạo giống cây trồng, cải tạo đất, điều tra nguồn nước (nông nghiệp), kiểm tra không phá hủy (công nghiệp, xây dựng), sản xuất dược chất phóng xạ (y tế).”

Trần Chí Thành

Thanh Nhàn

NGUỒNhttps://khoahocphattrien.vn/