Hội thảo Chào mừng Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam
Hưởng ứng các hoạt động ý nghĩa, thiết thực chào mừng ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5 và Kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung tâm hạt nhân Thành phố Hồ Chí Minh (Trung tâm) tổ chức Hội thảo khoa học đánh giá các kết quả nghiên cứu nổi bật năm 2023 và định hướng nghiên cứu năm 2024, giai đoạn 2025-2026 của Trung tâm, đồng thời có 03 báo cáo được các nghiên cứu viên trình bày về các kết quả nghiên cứu trong thời gian qua.
Tham dự Hội thảo có ThS. Trần Thị Bích Liên, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm, PGS. TS Nguyễn Ngọc Duy, Phó Giám đốc Trung tâm, PGS.TS Hồ Mạnh Dũng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, công nghệ và đào tạo Trung tâm, cùng VC-NLĐ Trung tâm.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Duy – Phó Giám đốc Trung tâm nhấn mạnh ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/05) là sự kiện vô cùng ý nghĩa với ngành KH&CN. Thông điệp của Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm nay: “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Nâng tầm vị thế quốc gia” cũng là thông điệp của niềm tự hào, niềm tin và kỳ vọng của toàn xã hội đối với tri thức, tài năng và lao động sáng tạo của đội ngũ những người làm công tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Mở đầu hội thảo, PGS. TS Nguyễn Ngọc Duy trình bày các kết quả nghiên cứu nổi bật năm 2023 và định hướng nghiên cứu năm 2024, giai đoạn 2025-2026 của Trung tâm hạt nhân Thành phố Hồ Chi Minh. Trong năm 2023, Trung tâm thực hiện 04 đề tài cấp Bộ (trong đó có 02 đề tài chuyển tiếp từ năm trước sang) và 02 đề tài cấp Cơ sở. Về công tác đăng tải, so với năm 2022, số bài báo thuộc danh mục WOS của Trung tâm vượt chỉ tiêu đề ra, đạt 220% so với kế hoạch đăng ký (11 bài đăng trong năm 2023 so với chỉ tiêu đề ra 05 bài) và tăng 22,22% so với năm 2022. Với kết quả đó, Trung tâm được Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam trao 03 giải A và 05 Giải B cho các Công trình công bố quốc tế trong năm 2023. Đặc biệt, nhân sự của Trung tâm là đồng tác giả của Tài liệu kỹ thuật (IAEA-TECDOC) do Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) xuất bản.
Tiếp theo, với chủ đề “Tổng hợp vật liệu nano kim loại/Ditomit bằng phương pháp chiếu xạ và nghiên cứu hiệu ứng diệt vi khuẩn gây hại trong nước nuôi cá tra” PGS.TS Nguyễn Ngọc Duy đã trình bày các kết quả nghiên cứu trong hợp đồng với Cơ quan Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Bằng phương pháp chiếu xạ chum tia điện tử, nhóm nghiên cứu đã chế tạo thành công vật liệu nano composit AgNPs/Diatomit, CuNPs/Diatomit, Ag-CuNPs/Diatomit và khảo sát hiệu quả diệt khuẩn trên vi khuẩn Aeromonas hydrophila và Edwardsiella ictaluri trong nước nuôi cá tra. Kết quả cho thấy vật liệu nanocomposite có khả năng diệt khuẩn tốt và có tiềm năng ứng dụng là chất diệt khuẩn hiệu quả trong xử lý vi khuẩn gây hại trong nước ao nuôi nhằm kiểm soát dịch bệnh, giảm việc lạm dụng kháng sinh góp phần phát triển ngành nuôi trồng thủy sản an toàn và bền vững.
TS Lưu Anh Tuyên tham gia hội nghị với báo cáo “Phương pháp nhiệt phát quang cải tiến trong xác định niên đại kiến trúc khảo cổ: những kết quả mới và định hướng nghiên cứu trong thời gian tới”. Trong báo cáo này TS. Lưu Anh Tuyên đã trình bày tổng quan về nghiên cứu ứng dụng phương pháp phát quang (luminescence) trên thế giới cho các kiến trúc cổ được xây dựng bằng vật liệu gạch, đá và các thách thức gặp phải. Phương pháp nhiệt phát quang (Thermoluminescence – TL) cải tiến do nhóm nghiên cứu liên ngành phát triển được mô tả trong báo cáo như một giải pháp cho việc ứng dụng xác định các kiến trúc đa lớp, bất đồng nhất và chồng lấn về niên đại để giải quyết các thách thức mà phương pháp TL truyền thống đang phải đối mặt. Bên cạnh đó, báo cáo của TS Tuyên cũng trình bày việc hợp tác với Đài Loan để giúp quốc gia này giám định một số vị trí khảo cổ của họ trong chuyến công tác theo lời mời của đại học Cheng Kung vào tháng 3/2024. Cuối cùng báo cáo của TS, Tuyên trình bày kết quả nghiên cứu ban đầu trong dự án do Vingrup tài trợ về xác định niên đại ở di tích Óc Eo – Ba Thê và những định hướng nghiên cứu dài hạn trong thời gian tới về việc xây dựng phòng thí nghiệm khảo cổ sử dụng các phương pháp phân tích hạt nhân tại Trung tâm.
TS Đỗ Duy Khiêm sau thời gian gần 4 năm làm sau tiến sĩ tại Nhật Bản đã về công tác tại Trung tâm từ tháng 5 và có 01 bài báo cáo về “Trạng thái ăn mòn của lớp phủ oxit zirconi trên thép ống chế tạo bằng quá trình phân hủy hữu cơ kim loại”. Đây là một phần kết quả trong dự án hợp tác giữa Viện khoa học nhiệt hạch quốc gia Nhật Bản và đại học Shizuoka. Trong báo cáo này, TS. Đỗ Duy Khiêm đã trình bày về việc chế tạo và ứng dụng lớp phủ ceramic đa chức năng trên các vật liệu có hình dạng phức tạp, như là các bộ phận trong buồng cấp nhiên liệu lỏng của lò phản ứng nhiệt hạch. Năng lượng nhiệt hạch được xem là nguồn năng lượng sạch cho tương lai, và hiện đang nhận được sự quan tâm nghiên cứu và phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, việc triển khai các lò phản ứng nhiệt hạch đang đối mặt với nhiều thách thức kỹ thuật, bao gồm cả vấn đề của vật liệu làm ống dẫn nhiên liệu như chống ăn mòn, chống thẩm thấu tritium, cách điện, và khả năng chống bức xạ. Trong nghiên cứu này, lần đầu tiên việc chế tạo lớp phủ ceramic đa chức năng trên ống dẫn nhiên liệu được thực hiện như một giải pháp cho các vấn đề kỹ thuật cấp thiết được nêu trên. Đây là nghiên cứu tiên phong về việc chế tạo lớp phủ ceramic đa chức năng trên vật liệu thép ống bằng phương pháp phân hủy hữu cơ kim loại (MOD). Theo đó, giải pháp này nhằm tiến tới hiện thực hóa việc xây dựng lò phản ứng nhiệt hạch và giải quyết các thách thức kỹ thuật liên quan đến vật liệu trong buồng cấp nhiên liệu. Hướng nghiên cứu này cũng mở ra những cơ hội nghiên cứu mới tại Việt Nam liên quan đến ứng dụng lớp phủ ceramic đa chức năng trên vật liệu cho lò nhiệt hạch, và tạo điều kiện cho việc hợp tác với các đại học, viện nghiên cứu và phòng thí nghiệm quốc gia ở Nhật Bản và Mỹ.
Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp, cung cấp các thông tin hữu ích cho những người tham dự, đồng thời gợi mở những hướng nghiên cứu cho các bạn trẻ trong thời gian sắp tới.
Trung tâm Hạt nhân Thành phố Hồ Chí Minh