Hành trình về nguồn thăm Địa đạo Củ Chi – Đoàn TNCS, Trung tâm hạt nhân Tp.HCM
Nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2021), được sự đồng ý của Ban Giám đốc Trung tâm Hạt nhân thành phố Hồ Chí Minh (Trung tâm), Đoàn Thanh niên Trung tâm đã tổ chức Hành trình về nguồn thăm Địa đạo Củ Chi vào ngày 26/3/2021. Tham gia hành trình về nguồn có 12 đoàn viên thanh niên là các cán bộ viên chức của Trung tâm.
Khởi hành từ 7h30 sáng ngày 26/3/2021, đúng 9 giờ 30 phút, đoàn đã có mặt tại khu di tích Địa đạo Củ Chi – mảnh đất thép thành đồng kiên cường của Tổ quốc. Tại đây đoàn được xem những đoạn phim tư liệu, nghe kể về những chiến công, những trận đánh, từng Đoàn viên thanh niên như được trở lại với quá khứ hào hùng, được tận mắt chứng kiến sự quy mô, kỳ vỹ của công trình khi trực tiếp tham quan địa đạo, cảm giác sống và chiến đấu như quân và dân Củ Chi khi xưa dưới hàng chục mét đất sâu như đang ùa về; tiếp theo đó đoàn cũng đến dâng hương tưởng niệm tại Đền Bến Dược, nhiều đoàn viên đã xúc động khi đứng trước khu tưởng niệm lớn nhất nước, nơi lưu danh 44.520 liệt sỹ được khắc tên trong Đền, trong đó có 9.322 liệt sỹ là con em của 40 tỉnh, thành phố khác.
Củ Chi – mảnh đất được mệnh danh “Đất thép, thành đồng”, Địa đạo Củ Chi được đào từ năm 1946 và diễn ra trong suốt hơn 20 năm. Hệ thống Địa đạo có tổng chiều dài lên đến trên 200 km, với 3 tầng khác nhau cách mặt đất lần lượt khoảng 3m, 6m, 12m. Địa đạo tỏa rộng như mạng nhện trong lòng đất, bao gồm các công trình cần thiết cho chiến đấu và sinh hoạt như chiến hào, ổ chiến đấu, hầm ăn, ngủ, hội họp, bếp, giếng nước, … Nhờ vào kiến trúc chằng chịt, biến hóa linh hoạt, địa đạo Củ Chi là cứ địa vững chắc của Khu ủy Quân khu, Bộ tư lệnh Sài Gòn – Gia Định. Đây là một hệ thống phòng ngự vững chãi của quân và dân ta và gây nhiều khó khăn cho quân địch. Dù cho địch đã dùng rất nhiều phương pháp nhằm tìm diệt và triệt phá địa đạo như: dùng bom, dùng xe cơ giới, dùng nước, dùng chất độc, dùng đội quân “chuột cống, dùng chó nghiệp vụ,.. nhưng tất cả đều thất bại.” Nơi đây ghi dấu nhiều thành quả sáng tạo của quân dân Củ chi như bếp dã chiến Hoàng Cầm mang tên người sáng tạo ra, được sử dụng phổ biến trong địa đạo. Loại bếp này có công dụng làm tan loãng khói tỏa ra khi nấu ăn nhằm tránh bị máy bay phát hiện từ trên cao. Hệ thống hầm chông, bẫy chông, hệ thống phân lập các phần của địa đạo nhằm tránh việc địa đạo bị phá huỷ theo hiệu ứng dây chuyền….
Cùng chuyến hành trình, cả đoàn đã được nghe các hướng dẫn viên kể lại những ngày tháng gian khổ, sống trong mưa bom bão đạn của kẻ thù, những kỷ niệm, những chiến công lẫy lừng khi xưa của những người chiến sỹ cách mạng tại chiến khu mà chúng tôi càng thấy xúc động và vô cùng tự hào. Trải nghiệm tận nơi chúng ta càng hiểu rõ hơn nghị lực bền bỉ của, ý chí kiên cường và lòng yêu nước mãnh liệt của nhân dân ta. Địa Đạo Củ Chi hoàn toàn được đào bằng dụng cụ thô sơ trên khu vực đất sét pha đá ong, dưới những trận đánh, trận càn quét không ngừng của quân địch. Vậy nhưng những điều đó không làm những con người phi thuờng ở Củ Chi chùn bước. Nhờ sức mạnh và ý chí quật cường, quân và dân Củ Chi đã kiến tạo được một hệ thống đường hầm dọc ngang, nhiều tầng, trong lòng đất, kết hợp với các chiến hào, công sự trên mặt đất, tựa như “thiên la địa võng”, khiến kẻ thù phải khiếp sợ… Mỹ-Ngụy đã thực hiện hàng ngàn cuộc hành quân càn quét vào Củ Chi. “Tính từ 1954- 1975, khoảng 500.000 tấn bom, 480 tấn chất độc hóa học các loại đã được quân địch rải xuống vùng đất này. Dựa vào hệ thống địa đạo, quân và dân Củ Chi kiên cường bám trụ, đánh địch bằng cả 3 mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận) với phương châm “nắm thắt lưng địch mà đánh,” thực hiện lối đánh áp sát với những chiến thuật bắn tỉa, phục kích, tập kích, phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, vô hiệu hóa được nhiều loại vũ khí hiện đại nhất và làm thất bại âm mưu của địch.” Quân Mỹ khi vào đất Củ Chi gặp phải sự phản kháng của quân ta đã phải thốt lên: “Mật khu nguy hiểm”, “Việt cộng không thấy đâu mà đâu đâu cũng có”.
Chúng tôi cũng được trải nghiệm cuộc sống dưới lòng đất với một đoạn đường hầm chỉ dài khoảng 50m, nhưng khi đã lên mặt đất, ai cũng phải thốt lên: “Tại sao quân và dân ta ngày xưa lại có thể làm được một điều phi thường như vậy?” Đi lại trong đường hầm đã khó, hít thở cũng khó, vậy mà họ đã sống, sinh hoạt và chiến đấu dưới lòng đất trong hơn hai mươi năm. Những trang lịch sử hào hùng tại nơi đây như sống lại trước mắt chúng tôi. Chúng tôi thêm hiểu rằng vì sao một đất nước nhỏ bé như chúng ta có thể giành được thắng lợi trước những cường quốc như Pháp và Mỹ. Nhiều người cho rằng chiến thắng của chúng ta là may mắn. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng tất cả là nhờ vào nghệ thuật quân sự tài tình và ý chí quyết tâm sắt đá của quân và dân ta. Họ đã biến những điều không thể thành có thể bằng những hành động và ý chí phi thường. Địa đạo là một minh chứng sắt đá cho điều đó.
So sánh với cuộc sống hiện tại khiến chúng tôi cảm thấy vừa tự hào vừa cảm phục những thế hệ cha anh của mình. Hệ thống đường hầm Củ Chi và những sáng tạo trong sinh hoạt và chiến đấu tại đây đã thể hiện tư chất thông minh sáng tạo của con người Việt Nam. Trong hoàn cảnh điều kiện thiếu thốn, dụng cụ thô sơ, lực lượng chưa từng trải qua huấn luyện, nhưng những con người ấy đã ghi dấu ấn riêng cho minh trong trang sử hào hùng của dân tộc. Những con người ấy đã chứng minh được rằng Việt Nam là một quốc gia nhỏ nhưng không có nghĩa không làm được những điều vĩ đại. Tinh thần đoàn kết và lòng yêu nước đã khiến những con người bình thường có thể làm được những việc phi thường. Những nhà lãnh đạo cách mạng, những người chiến sỹ anh dũng đó chắc chắn là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo, nguyện cố gắng hết sức mình xây dựng quê hương, đất nước phát triển.
Kết thúc một chuyến đi vô cùng ý nghĩa, tất cả các Đoàn viên thanh niên đều mang trong mình chung những cảm nhận: Đó là cảm nhận về niềm tự hào dân tộc; khâm phục ý chí đấu tranh kiên cường bất khuất của quân dân Việt Nam trong những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm để giành độc lập dân tộc; sự vượt khó, sáng tạo, dũng cảm trong chiến đấu, không quản ngại gian khổ, hy sinh. Tiếp bước cha anh, thế hệ trẻ Trung tâm Hạt nhân thành phố Hồ Chí Minh nguyện cùng đoàn kết, chung sức, phấn đấu thi đua góp phần xây dựng tập thể Đoàn TNCS Trung tâm ngày càng vững mạnh.